Marthe Robin là một “Người Nữ của Đức Tin”, và là người đầu tiên khám phá ra một nền Rao giảng Phúc Âm mới. Đó là lời khẳng định của cha Bernard Peyrous.
Ngày 06-02-1981, là Sinh Nhật trên trời của Marthe Robin. Để kỷ niệm ngày Lễ Giỗ của Marthe Robin, cha Bernard Peyrous đã có những nhận định về Marthe Robin với báo Zenit
Zenit: Thưa cha, theo cha thì Marthe Robin đã dạy chúng ta điều gì mới về cách Rao giảng Phúc Âm ?
Cha Peyrous: Marthe Robin là một trong những người đầu tiên có khái niệm về đổi mới công cuộc rao giảng Phúc Âm. Marthe đã có một xác tín tận thâm tâm rằng cần phải có một “Lễ Hiện Xuống mới về Tình Yêu” cho thế giới. Marthe đã cảm thấy cần phải thay đổi về mọi mặt, chứ không cứ theo mãi một hệ thống Rao giảng đã có từ xưa đến nay. Marthe đã cầu xin cho thế giới được “tái tràn ngập Thánh Thần”; như Đức Thánh Cha Gioan XXIII và Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vẫn hằng nhắc tới. Đặc biệt Marthe đã cầu nguyện cách khẩn thiết vào những thời gian của Công Đồng Vatican II. Marthe cũng đã nâng đỡ hơn hai mươi Cộng Đoàn mới; và đã cật lực làm việc cho sự đổi mới của Giáo Hội.
Zenit: Như vậy Marthe Robin đã nói về công cuộc này rất nhiều phải không ạ?
Cha Peyrous: Đó là một đề tài mà Marthe rất yêu thích. Marthe đã nghĩ rằng với những đổi thay của thời đại này, thì việc rao giảng Tin Mừng không chỉ còn là công việc của những “Nhà chuyên môn” như các Linh mục, các Nhà Truyền giáo… Mà tất cả mọi Kitô hữu, mọi người đã được Rửa Tội phải chiếu tỏa sự hiện diện của Chúa Giêsu khắp mọi nơi, ngay chính trong môi trường sống của họ.
Zenit: Vậy Marthe ấy sẽ nói gì với chúng ta về Năm Đức Tin này?
Cha Peyrous: Thật là khó nói!… Nhưng không thể chối cãi được, bởi Marthe Robin đúng là “Người Nữ của Đức Tin”. Marthe đã có được cảm quan khác thường về hoạt động của Thiên Chúa trong các tâm hồn, trong Giáo hội và trong thế giới.
Zenit: Vậy Marthe Robin đã dùng những lời lẽ nào để nói về Đức Tin?
Cha Peyrous: “Đức Tin là Ơn nhưng không của Thiên Chúa ban, chúng ta không thể tự tìm kiếm mà có. Chúng ta cần phải cầu xin…” Marthe Robin đã khẳng định như thế. Đàng khác, không bao giờ Marthe tách rời Đức Tin ra khỏi Đức Cậy và Đức Mến. Đối với Marthe Robin, Đức ái là tâm điểm của đời sống người Kitô hữu, như Marthe đã xác định: “Ngoài Đức Bác Ái, mọi sự đều là không”. Và Marthe đã sống một cách thẳm sâu về đức trông cậy: Phải nhớ rằng Marthe đã phải sống trong một thế giới vô vọng. Có rất nhiều đe dọa không những cho thế giới mà còn cho cả Giáo Hội. Hơn 100.000 con người đã đến tận phòng bệnh,ở trên đồi Châteauneuf de Galaure để thăm Marthe. Chính Marthe đã khuyến khích, an ủi và giúp cho họ lấy lại được niềm Hy vọng.
Zenit: Xin cha cho một câu trích dẫn cụ thể mà Marthe Robin đã nói về Đức Tin?
Cha Peyrous: “Một số người nghĩ rằng mình không còn Đức Tin, nhưng thực ra Đức Tin của họ vẫn còn đang âm ỉ dưới đống tro của lòng họ. Chỉ cần thổi nhẹ là ngọn lửa Đức Tin ấy sẽ bùng lên ngay”. Đó là câu nói đầy khích lệ và ngập tràn hy vọng mà Marthe Robin đã gửi cho chúng ta.
Zenit: Cho đến bây giờ, cha có còn nhận được những chứng từ của những người đã quen biết Marthe Robin và cả của những người đã nhận được các ơn qua lời cầu bầu của Marthe không?
Cha Peyrous: Nhiều lắm! Chúng tôi có hằng thước thước toàn bộ tài liệu liên qua đến Marthe Robin để tại Văn Khố Nhà xứ tại Châteauneuf de Galaure! Thậm chí Marthe đã mất được hơn 30 năm rồi, mà những người quen biết Marthe vẫn hằng cung cấp thông tin cho chúng tôi.
Zenit: Nhân dịp Lễ Đức Mẹ Lộ Đức sắp tới, chúng ta có thể gợi nhớ lại rằng Marthe Robin cũng là một con người rất là đau ốm… Vậy không biết Marthe đã chấp nhận bệnh tật của Marthe như thế nào?
Cha Peyrous: Marthe Robin đã không chấp nhận bệnh tật một cách dễ dàng ngay từ đầu. Marthe đã phải đi trên một con đường thiêng liêng trong 10 năm với một câu hỏi lớn mà Marthe chỉ có thể được trả lời một cách từ từ: “Bây giờ tôi có thể làm gì được với tình trạng này của đời tôi?”. Như thế, chúng ta thấy Marthe Robin đã phải chiến đấu đến thế nào! Marthe đã phải trải qua những giai đoạn của sự ngã lòng và không chấp nhận với bệnh hoạn của mình như thế. Mãi cho đến kỳ Tĩnh Tâm được hướng dẫn bởi các Cha Dòng Capucin vào năm 1928, Marthe Robin mới được Ơn Chấp Nhận bệnh hoạn của mình: Bây giờ thì Marthe đã nhận ra Sứ mạng của mình, Marthe có thể dâng hiến đời sống bệnh hoạn này để cầu nguyện cho thế giới.
Zenit: Như vậy có phải là Marthe Robin đã tìm ra được Ý Nghĩa cho những đau khổ mà Marthe đang phải chịu không ạ?
Cha Peyrous: Đúng vậy, Marthe Robin đã thành công khi đưa những đau khổ vào Ơn Gọi của mình. Marthe đã hiểu được cách thẳm sâu rằng, – tất cả những đau đớn kinh khủng nhất về thể xác, cũng như tất cả mọi khổ cực của tâm hồn-, nếu được đặt vào và được sống với tình yêu, thì những nỗi thống khổ ấy sẽ trở thành những phương thế truyền bá Phúc Âm, sẽ giúp cho sự tiến bộ của Giáo Hội và của toàn thế giới.
Zenit: Vậy Marthe Robin đã nói gì về vấn đề này?
Cha Peyrous: Marthe đã cho biết: “Mọi hoạt động ở trần gian này đã từ chối tôi, nhưng Đức Giêsu đã cho tôi được tham gia các sinh hoạt ấy bằng lời cầu nguyện, bằng tình yêu trong sự đau khổ, trong những hy sinh không ai biết đến. Nó có vẻ như không có ích gì cho thế giới; nhưng thực ra nó đã phong phú biết bao trước mặt Thiên Chúa”.
Zenit: Marthe Robin đã nói về điều ấy một cách rõ ràng hay sao ạ?
Cha Peyrous: Marthe Robin luôn vô cùng kín đáo khi nói về mình. Để hiểu được cách sống của Marthe trong bệnh tật và trong đau khổ, người ta cần phải dùng những phương cách “gián tiếp” để hiểu; bằng cách để ý tới những lời, những kiểu cách mà Marthe dùng khi an ủi những người đau ốm khác đến xin Marthe nâng đỡ.
Zenit: Cha có thể xác định được rằng Hồ Sơ xin Phong Chân Phước cho Marthe Robin đã đi đến giai đoạn nào không ạ?
Cha Peyrous: Chúng tôi còn đang xin Giáo Hội công nhận về các “Nhân Đức Anh Hùng” của Marthe Robin. Vào năm 2010, chúng tôi đã ký vào bản “Positio”, một Hồ sơ với 3000 trang, Hồ sơ này được tóm tắt từ những cuộc bàn cãi được ghi lại, dài tới 17.000 trang.- Đàng khác chúng tôi cũng đã lập Hồ sơ về một phép lạ, Hồ sơ về phép lạ này cũng chỉ được học hỏi sau khi văn bản về các nhân đức anh hùng của được chấp nhận. Cần phải kiên nhẫn, bởi vì phía trước chúng tôi còn tới 400 trường hợp khác đang đợi được học hỏi.